Vay cả tỷ mua nhà, vợ chồng trẻ phải bán gấp sau 2 năm oằn mình trả nợ
Với tâm lý muốn sớm có nhà an cư, cặp vợ chồng trẻ 27 tuổi, quê Thanh Hóa, mạnh dạn vay ngân hàng 1 tỷ đồng để mua căn nhà 1,5 tỷ ở Hà Đông. Nhưng sau đó, họ đành quyết bán nhanh để thanh khoản ngân hàng gấp.
Vợ chồng anh Nguyễn Hoàng Việt và chị Lưu Thị Thùy Chi vừa rao bán nhà, trở về kiếp đi thuê trọ vì không thể trả khoản lãi ngân hàng khủng mỗi tháng.
Kết hôn hơn hai năm nay, vợ chồng chị Chi - anh Việt có một cô con gái nhỏ 3 tuổi. Chị Chi là nhân viên content một công ty với mức lương tháng 10 triệu đồng. Còn anh Việt là nhân viên một công ty nội thất, lương tháng 15 triệu đồng. Tổng thu nhập của vợ chồng là 25 triệu/tháng.
“Hàng tháng, vợ chồng mình phải trả tiền thuê trọ là 3 triệu đồng. Ngoài ra, chúng mình cũng dành 8 triệu chi tiêu. Vợ chồng cố gắng mỗi tháng tiết kiệm được 14 triệu đồng/tháng. Tính ra, mỗi năm vợ chồng mình để dành được 156 triệu đồng chưa kể tiền thưởng Tết, thưởng quý”, chị Chi nói.
Cố gắng mua nhà, vợ chồng trẻ chịu áp lực trả nợ vay ngân hàng quá lớn |
Hơn hai năm kết hôn, vợ chồng chị Chi đã tiết kiệm được 500 triệu đồng. Có tiền này trong tay, vợ chồng chị nhiều lần nghĩ tới chuyện mua nhà. Tuy nhiên, lo sợ áp lực vay ngân hàng số tiền lớn nên vợ chồng trẻ này vẫn nấn ná.
Cho tới một lần, thấy người bạn cùng quê cùng ra Hà Nội đã mua được nhà bằng hình thức vay ngân hàng lên 70% số tiền nhà, vợ chồng chị Chi - anh Việt mới mạnh dạn lên kế hoạch mua nhà trả góp.
Nghĩ là làm, vợ chồng chị quyết mua một căn nhà 3 tầng với 30m2 ở sâu trong ngõ sâu tại làng Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội. “Vì căn nhà này có diện tích nhỏ, lại ở trong ngõ sâu, mảnh đất lại bóp hậu nữa nên chủ nhà bán với giá 1,5 tỷ. Vợ chồng tôi có 500 triệu nên thế chấp sổ đỏ căn nhà này để vay ngân hàng thêm 1 tỷ đồng nữa”, chị Chi nói.
Ban đầu, vợ chồng chị Chi tính toán, nếu vay thế chấp sổ đỏ 1 tỷ theo lãi suất được tính theo dự nợ gốc thì gốc và lãi phải trả hàng tháng sẽ khoảng hơn 18 triệu đồng.
“Hai vợ chồng vay thế chấp sổ đỏ 1 tỷ đồng theo mức cố định ban đầu (theo dư nợ gốc). Theo đó, tổng tiền phải trả hàng tháng = Tiền lãi phải trả hàng tháng + Tổng tiền gốc phải trả cho ngân hàng. Tiền lãi 1 tháng = Số tiền vay ban đầu x %Lãi suất. Tiền gốc trả cho ngân hàng = Số tiền vay ban đầu ÷ Số tháng vay.
Cụ thể, mình vay thế chấp sổ đỏ ngân hàng 1 tỷ trong 10 năm (120 tháng) với lãi suất cố định là 1%/tháng (tương đương 12%/năm). Như vậy, mỗi tháng, số tiền lãi phải trả là: 1% × 1 tỷ = 10 triệu đồng. Số tiền gốc mình phải trả cho ngân hàng là 1 tỷ ÷ 120 tháng = 8,3 triệu đồng. Tổng tiền gốc + lãi phải trả hàng tháng = 18,3 triệu đồng. Thấy số tiền này có thể lấy từ tiền lương, tiền vợ chồng đang thuê nhà trả nợ nên mình quyết tâm mua căn nhà trên", chị kể.
Được ở nhà mới rộng rãi nhưng mỗi tháng, vợ chồng chị Chi phải nhịn ăn, nhịn mặc, thậm chí phải làm thêm việc để trả nợ. Chị Chi chia sẻ, đó là những tháng ngày vất vả, đầy áp lực và mệt mỏi. Tiền lãi thậm chí còn cao hơn tiền gốc phải trả hàng tháng.
Ngôi nhà lại nằm sâu trong ngõ hẹp nên khó bán |
Nhiều ngày cày cuốc mệt mỏi, vợ chồng chị vẫn phải thay nhau đi làm, không dám nghỉ. Suốt 2 năm, anh chị ăn không dám ăn, mặc không dám mặc, dành toàn bộ tiền kiếm được để trả nợ.
Cứ nghĩ cố gắng oằn mình trả nợ ngân hàng là được, nhưng từ cuối năm ngoái, vợ chồng trẻ này bị vỡ kế hoạch. Chị Chi có thêm bé thứ hai ngoài ý muốn nên nghén ngẩm suốt, phải xin nghỉ làm nhiều. Vì thế, mức lương của người vợ trẻ này nhận được mỗi tháng chỉ còn khoảng 6-7 triệu đồng.
Trong khi đó, dịch bệnh Covid-19 ập đến khiến công ty nội thất nơi anh Việt làm việc cũng đóng băng vì không có khách. Tuy chưa bị sa thải hoặc thất nghiệp hẳn, nhưng số ngày chồng chị ở nhà nhiều hơn đi làm. Có tháng, thu nhập của vợ chồng chị không đủ cáng đáng kinh tế của gia đình, chứ chưa nói đến khoản nợ ngân hàng khổng lồ.
“Chồng mình lúc này phải lo hết. Cứ ngày nào không đi làm là anh lại phải chạy xe ôm, Grab để kiếm thêm. Thế mà vẫn không đủ tiền để trả ngân hàng, phải chạy vạy vay người thân, bạn bè khắp nơi. Anh ấy vì quá áp lực kiếm tiền nên gầy rộc, mệt mỏi. Còn mình thì vừa bầu bí vừa cố gắng đi làm được ngày nào hay ngày ấy để không bị thất nghiệp. Quá mệt mỏi và hụt hơi nên hai tháng trước, tụi mình quyết định rao bán căn nhà này”, chị Chi buồn bã nói.
Tuy rao bán đúng thời điểm đất các nơi sốt ảo nhưng do nhà chị Chi trong ngõ sâu, lại bóp hậu nên khách đến xem chê đủ điều, không được giá. Vợ chồng chị Chi đành bán hòa vốn.
“Nghĩ lại những ngày tháng trả nợ thật kinh khủng. Đấy mới chỉ là công việc của vợ chồng có trục trặc và tạm thất nghiệp. Không biết một trong 2 người hay người thân đổ bệnh thì lúc đó tính sao?", chị Chi rùng mình nghĩ lại.
Rút ra bài học, chị Chi cho rằng mua nhà hoàn toàn bằng thu nhập là bài toán khó với nhiều gia đình trẻ. Nếu còn yếu về tài chính, phải vay ngân hàng đến 50-70% thì không nên mua, mà chỉ mua nhà nếu phải ngân hàng tầm 30% số tiền. Có như vậy, người mua mới không bị áp lực trả nợ đè nặng, lại chưa lường được rủi ro phía trước.
Thảo Nguyên
Via Kinh doanh - Tin kinh tế thị trường, tài chính, chứng khoán https://ift.tt/30fJHoI
Nhận xét
Đăng nhận xét